Một số cách tiếp cận về bảo đảm chất lượng trợ giúp pháp lý

15:08 22/02/2024

Một vấn đề đang rất được quan tâm trong hoạt động trợ giúp pháp lý trên thế giới đó là chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Ở một số quốc gia, Quy tắc ứng xử nêu rõ tầm quan trọng của tính độc lập, đồng thời cung cấp hướng dẫn thực tế về các vấn đề liên quan đến chất lượng, chẳng hạn như số lượng hồ sơ quá tải và nghĩa vụ cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách công bằng và không phân biệt đối xử. Đảm bảo chất lượng là một vấn đề quan trọng, đặc biệt khi nó đặt ra vấn đề về sự can thiệp của Nhà nước đối với tính độc lập của luật sư. Các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Tiếp cận trợ giúp pháp lý trong Hệ thống Tư pháp Hình sự (UNPG) quy định rằng các Quốc gia cũng có trách nhiệm "đảm bảo rằng những người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể thực hiện công việc của họ một cách hiệu quả, tự do và độc lập" (Nguyên tắc 12).

Mặc dù việc quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý ở các quốc gia là khác nhau giữa các quốc gia nhưng vấn đề có tính nền tảng, đó là sự độc lập của luật sư là như nhau. Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã do dự trong việc đặt trách nhiệm lên các Quốc gia trong việc đảm bảo rằng các luật sư hình sự thực hiện công việc của họ theo một tiêu chuẩn đầy đủ, không có bất kỳ sự can thiệp nào vào việc thực hiện vai trò của luật sư. Vì vậy, trong một trường hợp, tòa án cho rằng: Một Quốc gia không thể chịu trách nhiệm về mọi thiếu sót của một luật sư được chỉ định trợ giúp pháp lý… Các Quốc gia chỉ được yêu cầu can thiệp nếu việc luật sư có lỗi rõ ràng ràng trong công việc mà việc tham gia can thiệp của Nhà nước là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, do mối liên hệ chặt chẽ giữa quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý và quyền được xét xử công bằng, có thể lập luận rằng các Quốc gia có trách nhiệm đảm bảo rằng trợ giúp pháp lý có hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu; trách nhiệm càng được nâng cao do thực tế là Nhà nước có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ chi phí trợ giúp pháp lý và do đó có, Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo ngân sách phải được chi tiêu phù hợp và hiệu quả.


Cách tiếp cận chính của Các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Tiếp cận trợ giúp pháp lý trong Hệ thống Tư pháp Hình sự là đặt trách nhiệm lên các Quốc gia để đảm bảo rằng những người thực hiện trợ giúp pháp lý được đào tạo và kỹ năng cần thiết để cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo tiêu chuẩn phù hợp. Vì vậy, Nguyên tắc 13 quy định rằng: Các Quốc gia cần đảm bảo rằng các chuyên gia làm việc cho hệ thống trợ giúp pháp lý quốc gia có trình độ và được đào tạo phù hợp với dịch vụ mà họ cung cấp. Trong trường hợp thiếu các luật sư có trình độ, việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý còn có thể thực hiện bởi những người không phải là luật sư hoặc trợ lý pháp chế (paralegals). Đồng thời, các Quốc gia cần thúc đẩy sự phát triển của nghề luật và loại bỏ các rào cản tài chính đối với việc đào tạo chuyên ngành luật.


Điều này minh họa cho cách tiếp cận, được thấy ở một số nền tư pháp, nhằm đảm bảo rằng những người thực hiện trợ giúp pháp lý có đủ năng lực để thực hiện công việc của họ. Ở hầu hết, nếu không phải tất cả, các nền tư pháp người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ó kiến thức và kỹ năng tối thiểu như luật sư. Ở một số khu vực pháp lý, luật sư trợ giúp pháp lý phải tuân theo các yêu cầu về trình độ chuyên môn cụ thể như một điều kiện tiên quyết để nhận được kinh phí từ quỹ trợ giúp pháp lý.


Điều này được giải quyết ở một mức độ hạn chế trong Các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Tiếp cận trợ giúp pháp lý trong Hệ thống Tư pháp Hình sự, trong đó quy định rằng các Quốc gia, hợp tác với các hiệp hội nghề nghiệp, nên đặt ra các tiêu chí để công nhận những người thực hiện trợ giúp pháp lý (Hướng dẫn 15) và hơn nữa, cung cấp hướng dẫn về kỷ luật và giám sát các hoạt động pháp lý. Có lẽ hệ thống công nhận phát triển nhất là ở Anh và xứ Wales, nơi các luật sư cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người bị tình nghi và bị cáo buộc ở giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự phải vượt qua một số đánh giá về kiến thức và kỹ năng để được công nhận thực hiện những công việc đó.
Một cách tiếp cận khác là đánh giá năng lực công việc của luật sư. Một số nước như Chile, Anh và xứ Wales và Scotland, đã phát triển các chương trình 'đánh giá chéo, theo đó người thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá chất lượng vụ việc của nhau. Điều này đặt ra câu hỏi ai có đủ trình độ để thực hiện những đánh giá như vậy. Tại Chile, Văn phòng Luật sư công đã bổ nhiệm một số thanh tra viên là những luật sư có kinh nghiệm về luật hình sự. Họ kiểm tra công việc của từng luật sư công theo kế hoạch hàng năm, có các báo cáo đánh giá. Những báo cáo này được sử dụng như một cơ chế để kiểm soát chất lượng và cải thiện hiệu suất.


Ngoài việc đặt ra yêu cầu đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý, để đảm bảo chất lượng dịch vụ này còn đặt ra yêu cầu đối với tổ chức cung cấp dịch vụ. Hướng dẫn 16 của Các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Tiếp cận trợ giúp pháp lý trong Hệ thống Tư pháp Hình sự quy định rằng các Quốc gia nên tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, cơ quan tư pháp và hiệp hội nghề nghiệp để thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cũng như cơ chế giám sát và đánh giá đối với những người thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý của tổ chức mình.


Cách tiếp cận để đảm bảo chất lượng của những người thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý phụ thuộc vào cách thức tổ chức và thực hiện trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, nó sẽ phụ thuộc vào việc: (a) quốc gia đó có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trợ giúp pháp lý hay không; (b) có mối quan hệ hợp đồng giữa cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý và người thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý hay không; và (c) trợ giúp pháp lý có được cung cấp thông qua dịch vụ bào chữa công hay không.

Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái