Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý"

02:30 26/07/2021

Sáng ngày 31/10/2019, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý".

PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; đồng chí Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Toàn án Nhân dân Tối cao; đồng chí Hà Thị Dung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Nội vụ); cùng đại diện một số bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương.

PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học này với mục đích nhằm trao đổi về các giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại cơ quan nhà nước các cấp trong giai đoạn hiện nay; đồng thời nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách về quy hoạch, tạo nguồn, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. 

Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh, đây là Hội thảo quan trọng, kết quả Hội thảo là một trong những cơ sở để Bộ Nội vụ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý giai đoạn hiện nay.

TS Hà Thị Dung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Nội vụ) phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS Hà Thị Dung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Nội vụ) cho biết: công tác cán bộ, công chức, viên chức nữ được Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, biệt phái; kỷ luật, khen thưởng, thôi việc, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách khác như chính sách tiền lương, đãi ngộ, thu hút… đối với cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong việc tham gia bộ máy lãnh đạo và ra quyết định.

Tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý theo các mục tiêu bình đẳng giới như sau:

- Về tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020: cấp tỉnh là 13,3%; cấp huyện là 14,3%; cấp cơ sở là 19,69%.

- Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 27,12% (131/483)

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho rằng cần đảm bảo các quyền lợi với những trường hợp lao động nữ ký hợp đồng làm việc trước ngày 01/7/2019.

- Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021: cấp tỉnh là 26,54%; cấp huyện là 27,85%; cấp xã là 26,59%.

- Tỷ lệ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ: 46,66% (14/30).

- Tỷ lệ Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ: cấp tỉnh là 7,5%; cấp huyện là 12,7%; cấp xã là 6,38%

(Nguồn số liệu: Báo cáo số 457/BC-CP ngày 09/10/2019 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019).

Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hồng đề xuất một số nội dung: thứ nhất tiếp tục quán triệt sâu rộng các Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ nữ; thứ hai cần có lớp đào tạo cán bộ nguồn riêng cho cán bộ nữ…

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Lê Khánh Lương cho biết: tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương còn thấp bởi những nguyên nhân đó là, một số địa phương còn định kiến giới; các cấp ủy đảng, người đứng đầu các đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ.

Ông Lê Khánh Lương đề xuất cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hiện thực hóa Luật Bình đẳng giới; ban hành kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới từ Trung ương đến địa phương…

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nêu rõ vai trò cán bộ nữ trong công tác đối ngoại rất quan trọng trong lĩnh vực hội nhập quốc tế. Từ đó thể hiện sự quan tâm về bình đẳng giới của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Để làm được tốt nhiệm vụ này, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng, cần phải có chính sách cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học – công nghệ; đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nữ trí thức trẻ. Bởi phụ nữ khi đã có thực lực tất yếu sẽ có bình đẳng.

Đồng quan điểm với GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, bà Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Toàn án Nhân dân Tối cao cho rằng, cần quan tâm đến năng lực của cán bộ nữ, đặc biệt cán bộ nữ trẻ. Nên có những đề án, dự án riêng về công tác cán bộ nữ, đồng thời, bổ sung thêm chính sách phát hiện nữ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt. 

Đồng chí Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Toàn án Nhân dân Tối cao phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật đang là rào cản về thực hiện công tác bình đẳng giới như quy định độ tuổi lao động giữa nam và nữ; độ tuổi được cử đi học tập nâng cao trình độ học vấn và trình độ lý luận chính trị …; ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ để tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mang tính đột phá trong công tác cán bộ nữ, như: quy trình giới thiệu nữ cán bộ, công chức, viên chức vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; quy định về độ tuổi của nữ khi quy hoạch các chức danh được kéo dài thời gian công tác theo quy định…

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Các ý kiến đã đánh giá về thực trạng thể chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Bộ Nội vụ ghi nhận, tiếp thu ý kiến các đại biểu; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan để có báo cáo, đề xuất cụ thể với Chính phủ nhằm xây dựng thể chế chính sách và công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật nói chung về công tác cán bộ./.

Mạnh Quân

Nguồn: https://tcnn.vn/news/detail/45616/Hoi-thao-khoa-hoc-Nghien-cuu-de-xuat-hoan-thien-the-che-chinh-sach-nham-bao-dam-muc-tieu-binh-dang-gioi-va-tang-cuong-su-tham-gia-cua-phu-nu-vao-cac-vi-tri-lanh-dao-quan-ly.html

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái