Hoàn thiện pháp luật về hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo Việt Nam trong tình hình hiện nay

08:46 21/02/2024

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo, tuy nhiên, các quy định vẫn còn những hạn chế, bất cập. Vì vậy, để tiếp tục phát huy hơn nữa nguồn lực tôn giáo đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo trong thời gian tới.
Ảnh minh họa

Hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo là nhu cầu tự thân, mang tính truyền thống của tôn giáo, là phương thức hữu hiệu để các tôn giáo hiện thực hóa giáo lý, giáo luật, qua đó, củng cố đức tin, truyền bá và nâng cao vị thế, vai trò, ảnh hưởng của tôn giáo trong cộng đồng xã hội. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và cộng đồng tôn giáo, với 41 tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp đăng ký hoạt động thuộc 16 tôn giáo, có trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự1. Các tôn giáo ở Việt Nam đã có đóng góp tích cực cho đất nước ở nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời, góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam phong phú, đặc sắc.

Nhận thức rõ vai trò, đóng góp của các tôn giáo trên các phương diện của đời sống xã hội, cùng với chủ trương xã hội hóa các hoạt động xã hội, từ thiện, Đảng  đã khẳng định chủ trương cần phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Theo đó, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã nhấn mạnh: “Giải quyết việc tôn giáo thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của Nhà nước theo nguyên tắc: khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật. Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật” 2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”; “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội3.

Để thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động xã hội và quan điểm của Đảng về hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có các tôn giáo tham gia các hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Khám bệnh, chữa bệnhnăm 2023; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; Nghị định số số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”…

Về việc các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng đã có quy định tại Điều 55, theo đó, các tôn giáo: “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”. Nói cách khác, hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan về giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo… đã nêu ở trên. 

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực tôn giáo và các lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo đã được quan tâm xây dựng, củng cố tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho các tôn giáo đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện cũng như công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa thể chế hóa một cách đầy đủ, kịp thời, chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động xã hội và quan điểm phát huy nguồn lực tôn giáo của Đảng, cụ thể là:

Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về loại hình, phạm vi mức độ tham gia hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định chung về việc cho phép các tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo lại chưa có quy định cụ thể về việc cho phép các cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo ở loại hình nào, phạm vi mức độ đến đâu. Trên thực tế, hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo mới dừng lại ở một số loại hình và mức độ nhất định, chưa đa dạng, sâu rộng như các tổ chức dân sự khác. Điển hình như: các tôn giáo tham gia giáo dục, đào tạo mới dừng lại ở giáo dục mầm non; trên lĩnh vực y tế mới chỉ dừng lại ở các phòng khám… Điều này, đã ảnh hưởng đến việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo tham gia xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo.

Mặt khác, Điều 55 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng không quy định rõ việc các tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo với tư cách cá nhân tôn giáo hay với tư cách tổ chức tôn giáo. 

Thứ hai, pháp luật chưa quy định việc tiếp nhận các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc quyên góp của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện.

Điều 25 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017) chỉ quy định: “Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước” (so với Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đã lược bỏ cụm từ “từ thiện xã hội” sau cụm từ “hoạt động tôn giáo”). Đồng thời, Điều 26 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cũng quy định: “Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài để hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; tổ chức các nghi lễ tôn giáo hoặc cuộc lễ tôn giáo; xuất bản, nhập khẩu kinh sách, văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo”. Với quy định này, có thể dẫn đến cách hiểu rằng, hoạt động quyên góp, nhận tài trợ chỉ được dùng vào mục đích hoạt động tôn giáo, không được quyên góp, nhận tài trợ để hoạt động từ thiện, nhân đạo. Trong khi đó, hoạt động này trên thực tế diễn ra khá phổ biến. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc các tổ chức tôn giáo huy động nguồn kinh phí để tham gia hoạt động xã hội, từ thiện.

Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP chỉ quy định về việc tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận các khoản tài trợ, quyên góp của cá nhân, tổ chức, nhưng không có quy định về việc cá nhân tôn giáo tiếp nhận các khoản tài trợ, quyên góp này. Mặc dù trong thực tế thì việc tiếp nhận các khoản tài trợ, quyên góp dưới danh nghĩa cá nhân tôn giáo cũng rất lớn.

Hơn nữa, trong các văn bản pháp luật hiện hành, chưa có quy định cụ thể về việc xử lý đối với các nguồn tiền từ nước ngoài chuyển cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật xâm phạm an ninh, trật tự. Đây sẽ là kẽ hở, gây khó khăn trong xử lý các tổ chức, cá nhân tôn giáo lợi dụng hoạt động nhân đạo, từ thiện để huy động nguồn tiền từ nước ngoài vào mục đích vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh, trật tự. 

Thứ ba, quy định pháp luật về tư cách pháp nhân của các tổ chức xã hội, từ thiện tôn giáo còn có những bất cập nhất định.  

Theo quy định của các tôn giáo, các tổ chức xã hội, từ thiện là tổ chức trực thuộc tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có quy định về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tuy nhiên, thực tế quy định về tổ chức tôn giáo trực thuộc và công nhận tư cách pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc còn có những bất cập nhất định so với thực tiễn. Cụ thể là:

Theo quy định tại khoản 13 Điều 2 thì “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức của các tôn giáo có nhiều cấp khác nhau, mỗi cấp lại có các tổ chức trực thuộc, chẳng hạn trong dòng tu Công giáo có các cộng đoàn, các cơ sở dòng, có các tổ chức hoạt động xã hội, từ thiện thuộc dòng. Quy định này gây khó khăn trong việc xác định như thế nào là tổ chức tôn giáo trực thuộc, như thế nào là bộ phận cấu thành của tổ chức tôn giáo trực thuộc. Mặt khác, cũng theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tại Điều 28 thì một trong những điều kiện để tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc đó là “Hiến chương của tổ chức tôn giáo có quy định về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc”, tuy nhiên có những tôn giáo Hiến chương không quy định việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc mà được quy định trong Giáo luật (điển hình là Công giáo). Thực tiễn này cho thấy quy định tại Điều 28 không phù hợp với thực tế, dẫn đến khó áp dụng.

Mặt khác, hiện nay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có quy định về tên gọi của tổ chức tôn giáo mà không có quy định tên gọi của tổ chức tôn giáo trực thuộc. Điều này dẫn đến không có cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo khi giải quyết vấn đề liên quan đến tên gọi của tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định tại Điều 22, 25 và 29 của Luật. Đồng thời, theo quy định tại Điều 30 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thì tổ chức tôn giáo đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có điều kiện phải có Hiến chương. Tuy nhiên, trên thực tế có tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không có Hiến chương như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc, trong đó có các tổ chức xã hội, từ thiện của tôn giáo.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thực tế trên cho thấy, phát huy nguồn lực của các tôn giáo tham gia hoạt động xã hội, từ thiện đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp để tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo. Cụ thể: 

Một là, tiến hành rà soát, nghiên cứu ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật chuyên ngành để quy định rõ ràng, cụ thể về loại hình và mức độ, phạm vi tham gia của tổ chức và cá nhân tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo hướng các tổ chức tôn giáo, cá nhân tôn giáo được tham gia như các cá nhân, pháp nhân dân sự khác. Đồng thời, sửa Điều 55 theo hướng xác định rõ chủ thể thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện bao gồm cả cá nhân và tổ chức tôn giáo, theo đó, cần chỉnh sửa thành: “Cá nhân, tổ chức tôn giáo được được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Hai là, sửa đổi một số quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó: 

Sửa đổi quy định về tổ chức tôn giáo trực thuộc theo hướng xác định: “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo quy định của tổ chức tôn giáo” (lược bỏ cụm từ “theo hiến chương, điều lệ” so với quy định tại khoản 13 Điều 2 của Luật). Đồng thời, về điều kiện để tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc được quy định Điều 28 của Luật cần sửa điều kiện thứ nhất tại khoản 1 thành “Tổ chức tôn giáo có quy định về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc” (lược bỏ quy định về Hiến chương). Bên cạnh đó, bổ sung quy định về tên của tôn chức tôn giáo trực thuộc vào Điều 25 của Luật.

Sửa đổi quy định về việc quyên góp, tiếp nhận tài trợ của tôn giáo theo hướng mở rộng đối tượng bao gồm cả cá nhân, tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp, tiếp nhận tài trợ. Đồng thời, cho phép cá nhân, tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp và tiếp nhận tài trợ để phục vụ cho mục đích hoạt động xã hội, từ thiện. Theo đó, cần sửa đổi chương V, từ Điều 25 đến Điều 27 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP theo hướng này.

Sửa đổi quy định điều kiện công nhận tư cách pháp nhân cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, theo đó, sửa điều kiện thứ hai được quy định tại khoản 2, Điều 21 của Luật thành “Có Hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật này hoặc văn bản có nội dung tương tự”.

Ba là, ban hành văn bản pháp luật quy định về xử lý tiền, hàng chuyển từ nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân trong nước vì mục đích vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh, trật tự để có cơ sở xử lý, ngăn chặn cá nhân, tổ chức tôn giáo lợi dụng hoạt động xã hội, từ thiện để quyên góp, tiếp nhận tài trợ từ nước ngoài vào các mục đích vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh, trật tự.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. H. NXB Tôn giáo, 2022.
2. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 171.

Tài liệu tham khảo:
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
2. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái