Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc

10:17 20/12/2023

Trong các dân tộc thiểu số ở nước ta có một lớp người giữ vai trò dẫn dắt cộng đồng trên cơ sở sự tín nhiệm, tin tưởng và tôn vinh của cộng đồng. Họ là lực lượng quần chúng đặc biệt, đóng vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số để chính sách dân tộc được thực hiện đúng đắn, hiệu quả; đồng thời, giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào. Vì thế, việc chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là yêu cầu khách quan trong thực hiện chính sách dân tộc, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(1).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc _Ảnh: TTXVN

Nhận thức đúng về người có uy tín trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Trong xã hội truyền thống, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với gia đình, dòng họ, dòng tộc, cộng đồng dân cư và ảnh hưởng quyết định đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: trong sinh hoạt, lao động, sản xuất, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự làng bản khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp... Trong mỗi gia đình của các dân tộc thiểu số, mọi sinh hoạt đời sống, quan hệ xã hội và lao động, sản xuất luôn được điều chỉnh và chi phối bởi người có uy tín nhất trong gia đình. Trong từng dòng họ của các dân tộc, dù lớn hay nhỏ đều có người đứng đầu là Trưởng tộc hay Trưởng họ để duy trì các hoạt động của dòng họ, nhất là trong sinh hoạt tín ngưỡng để nhớ về tổ tiên, cội nguồn; duy trì tôn ti, trật tự và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình đối với dòng họ, làng bản và cộng đồng. Trong đời sống cộng đồng, người có uy tín giữ vai trò đầu tàu bảo đảm sự vận hành của cộng đồng thông qua việc duy trì phong tục, tập quán, ổn định trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước ở địa phương.

Ở các bản làng ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, trưởng thôn, bản có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đối với dân tộc Mông, trưởng dòng họ và bà cô là những người có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Đối với các dân tộc Dao, Mường, Thái và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì những người thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, cầu cúng cho gia đình, dòng họ hoặc bản, làng có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của các dân tộc. Với các buôn làng vùng rừng núi Trường Sơn - Tây Nguyên, già làng là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng: “Già làng nói - dân làng nghe, Già làng hô - dân làng hưởng ứng, Già làng làm - dân làng làm theo”. Già làng chính là cây cổ thụ tỏa bóng mát cho các thế hệ trong buôn làng, là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng, bởi vậy tất cả việc lớn, hệ trọng của cộng đồng và của mỗi gia đình từ lễ hội, cưới hỏi, ma chay đến làm nhà mới, đầy tháng cho trẻ, lễ trưởng thành... đều phải có sự đứng ra “làm chủ” của già làng. Trong khi đó ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các vị sư sãi thuộc Phật giáo Nam Tông ở các chùa Khơ-me có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống dân cư của đồng bào dân tộc Khơ-me. Các chức sắc tôn giáo thuộc đạo Hồi và đạo Bà-la-môn có một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Chăm ở nước ta.

Trong xã hội hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, việc sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển thì kinh nghiệm sản xuất cổ truyền mà già làng, trưởng bản tích lũy được bị hạn chế về trình độ, về kỹ thuật, về khoa học và công nghệ nên vai trò sản xuất dần chuyển sang lớp trẻ. Theo tiến trình đô thị hóa và phát triển nông thôn miền núi, việc xây dựng buôn làng không còn tuân theo lối cũ. Những ngôi nhà gọn gàng cho một tiểu gia đình ngày càng phổ biến. Những dụng cụ tiện ích trong sinh hoạt gia đình, trong trang phục cá nhân, phương tiện đi lại cũng dần được hiện đại hóa. Trong hôn nhân, tang ma cũng có xu hướng đơn giản hóa, giảm bớt tập tục tín ngưỡng mê tín dị đoan, các nghi lễ cũng được giảm bớt tính phức tạp hơn và hôn nhân ngoại tộc được mở rộng. Trong sinh đẻ, ngày càng có nhiều người mẹ sinh con ở cơ sở y tế công lập, giảm dần phạm vi ảnh hưởng của các bà đỡ truyền thống. Việc chăm sóc sức khỏe trước đây nằm trong tay các thầy mo, thầy cúng, dùng y học dân gian kết hợp với ma thuật chữa trị, nay đang dần chuyển sang hình thức Đông- Tây y kết hợp. Lớp trẻ có điều kiện tiếp nhận thành tựu khoa học kỹ thuật, đồng thời được tiếp thu kinh nghiệm của tổ tiên và các thế hệ trước qua gia phả, tộc phả và truyền miệng nên vai trò của lớp trẻ đang ngày càng được nâng cao.

Các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng trong dân tộc vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng theo xu hướng tinh giảm phần lễ, mở rộng phần hội... Trong điều kiện như vậy, vai trò của một số già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, tiêu biểu trong xã hội truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi, dần chuyển giao cho lớp người tiêu biểu mới có trình độ học vấn, am hiểu khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, biết cách làm giàu và hướng dẫn quần chúng trong việc phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng... Đó là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc, người sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ lãnh đạo các cấp có uy tín ở Trung ương và địa phương đã nghỉ hưu. Những người tiêu biểu, có uy tín này có thể là người ở địa phương, ở các buôn làng truyền thống, nhưng cũng có thể là người từ một địa phương khác đến sinh sống hoặc được phân công công tác tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được đồng bào tín nhiệm, suy tôn và trở thành người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

Vai trò và đóng góp của lực lượng quần chúng đặc biệt

Từ khi thành lập Đảng và trong suốt quá trình lịch sử cách mạng của dân tộc, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta là: “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn linh hoạt trong vận động và phát huy vai trò của những người có ảnh hưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ cách mạng.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta có chính sách vận động, phát huy vai trò đầu tàu của lớp người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và họ đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giành lại chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Trong giai đoạn 1930 - 1945, để huy động mọi lực lượng yêu nước của dân tộc đấu tranh giành lại chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc, Đảng ta đã có chính sách đối với tầng lớp tù trưởng, quan lang trong xã hội cổ truyền một số dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc nhằm kêu gọi, tập hợp những người có uy tín trong các dân tộc thiểu số vì lợi ích của dân tộc để vận động đồng bào tham gia kháng chiến và đã có những đóng góp vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Giai đoạn 1945 - 1975, Đảng ta vận động, phát huy vai trò của các Thổ ty ở vùng đồng bào dân tộc Tày, Lang đạo ở vùng đồng bào dân tộc Mường, Phìa tạo ở vùng đồng bào dân tộc Thái và lớp người trên có ảnh hưởng trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc cũng như các già làng, trưởng phum, sóc... ở Tây Nguyên, ven biển miền Trung, Nam bộ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc để họ tham gia và vận động quần chúng đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Trong công cuộc xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có chính sách chăm lo xây dựng, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng năm 1996 Đảng ta xác định cần: Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, “Về công tác dân tộc” đặt ra nhiệm vụ: Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiĐánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3-11-2009, Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu cần tiếp tục: Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số.

Hiện nay, cả nước ta có gần 30.000 người có uy tín trong cộng đồng. Đó là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước(2)và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, trong những năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò tiên phong, gương mẫu, người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số noi theo, làm theo, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường, tôn trọng sinh thái... góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều kênh thông tin, như truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng: sách, báo, đài, ti-vi; truyền thông trực tiếp qua kênh của già làng, trưởng bản,... Tuy nhiên, chất lượng và trình độ nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, ở những nơi này việc tuyên truyền, vận động của các già làng, trưởng bản, người có uy tín và trưởng các ban, ngành đoàn thể ở cơ sở đóng vai trò quan trọng. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thì: “Tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”. Người có uy tín, trước hết bằng uy tín và am hiểu thực tiễn địa phương, gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua nhiều cách tuyên truyền chính sách dân tộc thiết thực, cụ thể như tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn bản, tuyên truyền bằng việc làm cụ thể, tiên phong hướng dẫn các gia đình thực hiện phương thức làm giàu trên mảnh đất quê hương; tích cực, gương mẫu để gia đình, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương và làm theo nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng, có nhiều đóng góp tích cực công sức, tiền của, như ngày công lao động, hiến đất... cho địa phương để xây dựng trường học, nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình nghĩa(3)... Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả được nhiều người học tập, làm theo; tích cực vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trên 500 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm, một số mô hình tiêu biểu, như mô hình trồng cam cho giá trị và năng suất cao ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông tỉnh Nghệ An; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở các huyện Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu tỉnh Nghệ An; mô hình trồng gừng, khoai dong riềng, mận tam hoa hiệu quả ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; mô hình trồng dứa huyện Nghĩa Đàn; mô hình nuôi bò lai Sind, gà đen, nhím, nuôi cá, ba ba ở các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Nghệ An...

Lưu giữ nghề truyền thống (tác giả: Lê Hữu Thiết) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

 

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì hệ thống luật tục mang đậm nét bản sắc dân tộc, chi phối, tác động ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống sinh hoạt của người dân và cả cộng đồng dân cư. Người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, các lễ hội truyền thống của các dân tộc, xóa bỏ hủ tục; vận động nhân dân không tin, không nghe theo các đạo lạ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa bàn. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống được người có uy tín lưu giữ và phát huy bản sắc, điển hình, như Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, hát Then của dân tộc Tày, hát Song Hao của dân tộc Nùng, hát Sình Ca của Dân tộc Cao Lan, dân ca Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, nhà Gươl của dân tộc Cơ tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ hội Chợ tình Khâu Vai của dân tộc Nùng, lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang, lễ ra tháng của người Sán Chỉ, lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Ka tê của dân tộc Chăm ở Bình Thuận, lễ hội Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, Tết Chôl Ch-năm Th-mây của dân tộc Khơ-me...

Ở vùng biên giới, người có uy tín là nòng cốt cùng Bộ đội Biên phòng vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới”... Sự đóng góp của những người có uy tín trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện thông qua các hoạt động, như tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu; vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua; tích cực tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân; tham gia và vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”; “Quần chúng tham gia tự bảo quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới”; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc. Cùng với lực lượng biên phòng và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, người có uy tín ở các xã biên giới tham gia hiệu quả trong công tác phân giới cắm mốc, tham gia giải quyết việc xâm cư, xâm canh; tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vận động đồng bào tuần tra biên giới, tham gia bảo vệ đường biên và mốc giới, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh, trật tự ở khu dân cư và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, người có uy tín là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Nhiều người có uy tín tuy tuổi cao, nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ, như bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể; tham gia làm tổ trưởng, tổ hòa giải, tổ an ninh; là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội. Người có uy tín tích cực vận động con cháu, dòng họ và mọi người dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể, khuyến khích con cháu phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thông qua việc xây dựng quy ước, hương ước trong thôn bản, tổ dân phố, các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã động viên gia đình con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Người có uy tín đã cùng với ban giám sát cộng đồng, ban công tác mặt trận thực hiện việc giám sát, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do hội đồng nhân dân cấp xã bầu, giúp đỡ cán bộ dân cử hoàn thành nhiệm vụ. Những cố gắng của người có uy tín góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh ngày một vững mạnh. Trong các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh ngày một vững mạnh.

Bộ đội Biên phòng cùng đồng bào tuần tra biên giới _Nguồn: laodong.vn

Chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và thông tin đem lại nhiều cơ hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người có uy tín nói riêng trong hoạt động giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... giữa các vùng, miền trong nước, khu vực và thế giới. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động chi phối, ảnh hưởng từ bên ngoài đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý dân tộc, các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người có uy tín nói riêng. Các thế lực thù địch đang tìm mọi thủ đoạn để lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm can thiệp, thực hiện âm mư­­u chia rẽ dân tộc, nhất là chia rẽ các dân tộc thiểu số với ngư­­ời Kinh, chia rẽ nhân dân các dân tộc với Đảng, Nhà nư­­ớc; phá vỡ sự ổn định chính trị - xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc. Người có uy tín cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung tác động móc nối, lôi kéo, nhất là ở các khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, như ở Tây Bắc, Tây Nam bộ và khu vực Tây Nguyên để tạo dựng “ngọn cờ” lập cái gọi là “nhà nư­­ớc tự trị”, kích động ly khai, tự trị dân tộc... hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong tình hình hiện nay, để phát huy vai trò, ảnh hưởng của đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị cần quan tâm xây dựng, thực hiện đồng bộ và quyết liệt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người có uy tín và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để phát huy vai trò của người có uy tín, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở thống nhất nhận thức để thống nhất trong phối hợp thực hiện hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.

Hai là, công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, trong đó cơ quan công an, dân tộc, dân vận, mặt trận làm nòng cốt.

Người có uy tín trong dân tộc thiểu số thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có người là già làng, trưởng bản, có người là cán bộ, trí thức; nhiều người có chức sắc trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng... do đó mỗi người có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng dân tộc thiểu số, trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xóa đói, giảm nghèo, trong cảm hóa, giáo dục phần tử xấu, tiêu cực, chậm tiến trong xã hội... Do vậy, mỗi vùng, mỗi dân tộc và tùy theo yêu cầu cụ thểcác cấp, các ngành cần sử dụng linh hoạt các hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín thì nơi đó phát huy tốt vai trò tích cực của người có uy tín tham gia các hoạt động, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Do vậy, để phát huy vai trò của người có uy tín, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trong thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín. Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín. Thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức vận động phù hợp với đặc điểm tâm lý, môi trường hoạt động, điều kiện hoàn cảnh khác nhau của người có uy tín để huy động tốt nhất sự tham gia của họ vào các hoạt động của địa phương. 

Ba là, thường xuyên quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có uy tín, như cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức; thăm hỏi, gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ vật chất khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn; tham quan học tập kinh nghiệm; biểu dương khen thưởng người có uy tín tiêu biểu... bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng chế độ nhằm động viên người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò của họ với cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín.

Bốn là, chăm lo xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác vận động người có uy tín nói riêng. Đội ngũ cán bộ làm công tác vận động người có uy tín có vai trò, vị trí hết sức cần thiết, có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công tác này, họ là những người thực sự có năng lực nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết nối Đảng và Nhà nước với người dân mật thiết hơn thông qua đội ngũ người có uy tín; có kiến thức, am hiểu về dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán, có kiến thức về chính sách dân tộc, có kinh nghiệm và có tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ, gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số, được người dân tin tưởng... là điều kiện rất quan trọng trong công tác vận động người có uy tín.

Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”(4)./.

NÔNG QUỐC TUẤN
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
----------------------------------------
(1) Thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chống kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc. Tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Nêu cao ý thức tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân sĩ, trí thức dân tộc thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội.
(2) Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(3) Tiêu biểu như ông Chảo Láo Lở, Chảo Xành Kiêm dân tộc Dao, thôn Sùng Hoáng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát,  tỉnh Lào Cai đã hiến gần 1.500m2 đất cho địa phương xây dựng trường học; ông Lò Đình Tuyến, bản Nặm Pạu, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã hiến 3.200m2 đất để cho địa phương xây dựng trường học; bà Đặng Thị Phúc, thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã vận động 78 hộ dân hiến trên 1.600m2 đất làm đường giao thông nông thôn; ông Hứa Văn Lỵ, dân tộc Nùng ở bản Trại Tre, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã hiến 1.000m2 đất vườn để làm đường giao thông nông thôn; ông Bàn Văn Biền, dân tộc Dao, trưởng thôn Lùng Vài, Xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã vận động gia đình tự nguyện hiến hơn 200m2 đất để làm đường giao thông liên thôn và chi 40 triệu đồng mua 200m2 đất để làm Nhà Văn hóa cho thôn Lùng Vài; bà Võ Thị Cất dân tộc Khmer, ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã vận động người dân hiến 2.000m² đất xây dựng đường giao thông nông thôn, vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng 2 căn nhà tình thương và 3 cây cầu nông thôn...
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 249 - 250
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/

 

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái