Xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền bí mật thông tin ở Việt Nam

16:00 10/08/2021

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đóng vai trò như những thành tố cơ bản, thiết yếu của mô hình quản trị hiện đại. Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự kết nối và chia sẻ trong mô hình Nhà nước hiện đại.

Kết nối và chia sẻ ở đây được cụ thể hóa bằng các giải pháp góp phần sáng tỏ, thông suốt thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau cũng như giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thông tin được dễ dàng tiếp cận và lan tỏa kéo theo không ít những hệ lụy. Thông tin của một cá nhân hay một pháp nhân bị rò rỉ ra bên ngoài có thể dẫn đến những thiệt hại không thể lường trước về vật chất cũng như tinh thần. Mâu thuẫn nảy sinh giữa lý thuyết kết nối - chia sẻ với sự tồn tại của những loại thông tin dường như không thể tiết lộ. Câu hỏi đặt ra là có hay không sự xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với quyền bí mật thông tin, cụ thể trong bối cảnh Việt Nam hiện nay? Bài viết này góp phần giải đáp câu hỏi đó.

1. Cơ sở pháp lý về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền bí mật thông tin

1.1. Cơ sở pháp lý quốc tế

a. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình

Vấn đề công khai, minh bạch đã được đề cập đến ngay từ thời kỳ La Mã cổ đại, tuy nhiên, phương thức và mục đích sử dụng các công cụ này có đôi nét khác biệt so với thời đại ngày nay. Các thiết chế quản trị của nhà nước La Mã đã tiến hành điều tra xã hội dân sự, qua đó lưu giữ và sắp xếp theo thứ bậc kinh tế, chính trị và số lượng quân đội được nắm giữ bởi các thành viên trong xã hội [1]. Ý thức về việc điều tra, nắm bắt thông tin xã hội được nhắc đến một lần nữa trong thời kỳ Phục hưng, đề cập đến trong “Sáu Quyển sách của nền Cộng hòa”. Hoạt động này nhằm mục đích kiểm soát các hoạt động, luật tục trong xã hội, sự dư thừa tài sản của giới quý tộc đồng thời chống tham nhũng trên cơ sở minh bạch hoạt động quản trị.

Cách mạng Pháp sau khi thành công vào năm 1799 đã đưa ra quy định về chế độ “Công báo”, theo đó tất cả các luật, nghị định hay quy định của Nhà nước nói chung phải được công khai với nhân dân dựa trên nguyên tắc “không ai bị loại trừ khỏi pháp luật”. Chế độ Công báo được duy trì và áp dụng đến tận ngày nay đối với tất cả các văn bản pháp luật cũng như văn bản pháp quy. Nhà nước cách mạng đồng thời cũng đảm bảo việc công khai đại chúng các cuộc tranh luận giữa các Hội đồng trong Nhà nước [2].

Luật về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình được phát triển lên một nấc thang mới vào thế kỷ 20. Tại Mỹ, Luật Tự do thông tin (Freedom of Information Act) năm 1966 ghi nhận như một trong những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên liên quan minh bạch tài liệu và văn bản hành chính, được ban bố dưới thời kỳ Tổng thống Lyndon B. Johnson.

Trong thời đại ngày nay, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là những vấn đề được đề cập rất nhiều trong các đạo luật của các quốc gia. Đặc biệt, ở một số nước, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được nâng tầm trở thành một đạo luật riêng. Xét từ góc độ luật nội địa, vương quốc Anh có Luật Minh bạch của chính quyền đia phương 2015.[3] Nội dung chính của đạo luật này gồm: Những thông tin phải được công bố; Thông tin được khuyến nghị công bố; Bảng tóm tắt toàn bộ thông tin sẽ được công bố; Phát hiện và ngăn ngừa gian lận và Dữ liệu tài sản nhà ở xã hội sẽ được công bố. Đối với Thụy Điển, cởi mở và minh bạch là những nền tảng quan trọng trong xã hội dân chủ của quốc gia này. Có bốn đạo luật cơ bản tạo nên Hiến pháp Thụy Điển: Văn kiện của Chính phủ (the Instrument of Government), Luật Tự do Báo chí (the Freedom of the Press Act), Luật cơ bản về tự do bày tỏ (the Fundamental Law on Freedom of Expression) và Luật Kế vị (the Act of Succession).[4] Những đạo luật này chỉ đứng sau Hiến pháp và được ưu tiên hơn các văn bản pháp luật khác ở Thụy Điển. Các đạo luật này thường được xuất hiện rất sớm ở các nước Châu Âu, nơi mà quyền bình đẳng, công khai và trách nhiệm giải trình được thực thi nhằm mục đích hướng tới một chính phủ minh bạch.

Công khai (openness) và minh bạch (transparency) được nhắc đến rất nhiều trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng như công khai thủ tục mua sắm và hợp đồng mua sắm tài sản công; công khai báo cáo tài chính và tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán; công khai các hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại hoặc tịch thu; công khai các bản sao của hồ sơ, tài liệu hay thông tin của Chính phủ [5] v.v… và minh bạch trong khu vực công; minh bạch trong việc cho các ứng cử viên vào các chức vụ nhà nước cũng như việc tài trợ cho các đảng chính trị; minh bạch và phòng ngừa xung đột lợi ích; minh bạch trong trách nhiệm quản lý tài chính công; minh bạch trong sổ sách kế toán, chứng từ, báo cáo tài chính hoặc các tài liệu khác liên quan đến thu, chi công và phòng ngừa việc giả mạo những tài liệu này; minh bạch giữa các tổ chức tư nhân; minh bạch trong các quy trình ra quyết định v.v… Điều này khẳng định, cộng đồng quốc tế cũng đã ghi nhận ý nghĩa của công khai, minh bạch trong việc bảo đảm sự giám sát của xã hội đối với việc thực thi quyền lực công.[6] Công ước Liên hợp quốc nói trên cũng đề cập đến bí mật thông tin cá nhân khi ban hành những thủ tục hoặc quy định cho phép công chúng, khi thích hợp, có được thông tin về tổ chức, quá trình thực hiện và ra quyết định của các cơ quan hành chính nước mình, cũng như các thông tin về quyết định và hành vi pháp lý liên quan đến công chúng.[7] Hiện nay, Luật nội địa về quyền tự do thông tin được ban hành trên 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.[8]

b. Quyền bí mật thông tin

Dù xuất hiện lâu đời trên thế giới nhưng trong công ước quốc tế và pháp luật của một số quốc gia chủ yếu chỉ quy định về quyền riêng tư mà ít quy định về quyền bí mật đời tư hay quyền bí mật thông tin. Có thể hiểu một cách chung nhất, quyền riêng tư là quyền bảo vệ đời sống của cá nhân mà các cá nhân, tổ chức khác không được xâm nhập hay công bố thông tin. Nội dung cơ bản của quyền riêng tư gồm có: sự riêng tư về thông tin cá nhân, cơ thể, thông tin liên lạc và nơi cư trú.[9] Về quyền bí mật thông tin, chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm nhưng xét về ngữ nghĩa có thể thấy, nội dung của quyền riêng tư rộng hơn nội dung của quyền bí mật thông tin. Vì vậy, chúng ta có thể khai thác những quy định về bí mật thông tin trong quyền riêng tư ở một số công ước quốc tế. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, mỗi cá nhân đều được Nhà nước Việt Nam bảo vệ về những điều riêng tư trong đời sống cá nhân, gia đình, nơi ở và thư tín. Cụ thể:

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR), Điều 12 ghi nhận:

“Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân; mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.”

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Điều 17 nêu rằng: “Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.”

Từ quy định trên, có thể suy ra rằng, những bí mật thông tin được bảo vệ theo hai văn bản luật quốc tế trên là những bí mật về tư liệu cá nhân và gia đình, nơi ở và nơi làm việc, thông tin liên lạc; được bảo vệ trước mọi hành vi can thiệp như hành vi thu thập, phát tán thông tin; theo dõi, xâm phạm nơi ở, nơi làm việc; xâm nhập, kiểm soát, giả mạo trong thông tin liên lạc…

1.2. Cơ sở pháp lý trong nước

a. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình

Do những yếu tố đặc thù từ hoàn cảnh lịch sử, các thuật ngữ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình xuất hiện tương đối muộn màng ở Việt Nam. Ý niệm chung nhất về quyền được thông tin của người dân được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 69 Hiến pháp 1992, theo đó “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền này được đổi tên thành “quyền tiếp cận thông tin” (Điều 25).

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng thời nội luật hoá một số quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành có quy định về quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước đang nắm giữ (các thông tin về môi trường, thông tin về quy hoạch, về xây dựng, về đất đai, về các dự án, về vệ sinh, an toàn thực phẩm, về chi tiêu ngân sách...), chẳng hạn như Luật Báo chí năm 2016, Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã và Nghị định 79/2003/NĐ-CP ngày 07/07/2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Xuất bản năm 2012; Luật Kiểm toán năm 2015; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014... Việc quy định trách nhiệm công khai, minh bạch và cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trong các văn bản pháp luật được ban hành sau ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn so với các văn bản được ban hành trước. Nổi bật nhất trong hệ thống thể chế chính sách liên quan đến quyền thông tin của người dân, các nhà lập pháp Việt Nam đã thông qua Luật về tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 vào ngày 06 tháng 4 năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Luật có 05 chương và 37 điều. Theo đó, tất cả công dân đều bình đẳng và sẽ không có sự phân biệt đối xử trong quyền truy cập thông tin. Đồng thời, Luật cũng liệt kê 14 loại thông tin được công khai tiếp cận và các dạng thông tin không thể truy cập (đồng nghĩa với việc không thể công khai).

Tóm lại, pháp luật Việt Nam hiện nay đã xây dựng và đang tồn tại một hệ thống cơ sở pháp lý nhất định liên quan đến trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước. Vấn đề cần xem xét là những công cụ này đang được triển khai ra sao trong đời sống thực tiễn.

b. Quyền bí mật thông tin

Trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có thuật ngữ “quyền bí mật thông tin”. Tuy nhiên, ở khía cạnh thông tin của cá nhân, đời tư và bí mật đời tư của mỗi người đã được pháp luật bảo vệ, xem đó là bất khả xâm phạm.

Hiến pháp 1992 quy định công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; thư tín, điện thoại, điện tín được bảo đảm an toàn và bí mật; việc tiếp cận và sử dụng những phương thức truyền tải thông tin này cũng như việc khám xét chỗ ở của người khác phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, xét về bí mật đời tư, Hiến pháp năm 1992 mới chỉ quy định quyền được bảo đảm an toàn, bí mật đối với thư tín, điện thoại, điện tín, chưa nói đến quyền về thông tin cá nhân. Khắc phục những hạn chế trên, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tính của mình”. Ngoài ra, Điều này còn quy định thông tin bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn và khẳng định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về bí mật gia đình.

Quyền bí mật thông tin cá nhân cũng được đề cập đến trong một văn bản pháp luật quan trọng khác là Luật Báo chí. Khoản 3, 4 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hướng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó…”. Luật Báo chí 2016 cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “tiết lộ thông tin thuộc Danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”.

Ngoài những văn bản nêu trên, quyền bí mật đời tư còn được đề cập trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành khác như Luật Xuất bản, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Quản lý Thuế…, trong đó cao nhất là được ghi nhận trong Hiến pháp. Tất cả tạo nên hệ thống cơ sở pháp lý đảm bảo quyền bí mật đời tư của cá nhân.

2. Thực hiện xung đột pháp luật về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền bí mật thông tin ở Việt Nam

2.1. Xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền bí mật đời tư, bí mật thông tin cá nhân về tài sản

Pháp luật thực định tồn tại nhiều dạng thông tin thuộc phạm trù bí mật cá nhân được Nhà nước bảo vệ như bí mật thư tín, điện tín, điện thoại; bí mật gia đình, bí mật đời sống riêng tư… Trong số đó, vấn đề nhạy cảm nhất khi xung đột với quy định công khai, minh bạch, giải trình là bí mật thông tin tài sản.

Mặc dù pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới không quy định trực tiếp về việc thông tin tài sản thuộc phạm trù bí mật của cá nhân, nhưng thực tế chứng minh rằng đây là một trong những loại thông tin quan trọng nhất mà con người không muốn tiết lộ. Nếu một chuyên gia tài chính được hỏi về bí mật của sự giàu có, họ sẽ trả lời rằng: Thực ra chẳng có bí mật nào cả, sự giàu có là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ, sống dưới nhu cầu và tiết kiệm từng đồng xu. Nhận định này nói lên một mâu thuẫn thú vị trong thực tế: Nhiều người giàu có trên thế giới hiện nay có một cuộc sống giản dị, thậm chí đạm bạc. Có vẻ vô lý khi những người có rất nhiều tiền lại không thích tiêu tiền. Tuy nhiên, điều này có thể được giải thích bằng nhiều nguyên nhân: một phần, khi đã sở hữu khối tài sản khổng lồ, giá trị mà người ta quan tâm không còn bó hẹp trong vấn đề vật chất. Một nguyên nhân khác quan trọng hơn đó là, phần lớn con người không muốn người khác biết họ có bao nhiêu tiền, sở hữu bao nhiêu loại tài sản. Luận điểm này trở nên thuyết phục hơn đối với những người mà sự giàu có của họ không thuyết phục được niềm tin của xã hội đại chúng. Ở Việt Nam, không ai hoài nghi về gia sản của Bill Gates, Warren Buffet. Nhưng không ít người đặt dấu hỏi về sự giàu có của một công chức, viên chức cấp xã ở địa bàn mình đang sinh sống. Tài sản của cán bộ, công chức nhà nước chính là điểm đến đầu tiên của xung đột pháp luật: minh bạch hay bảo vệ bí mật tài sản?

Minh bạch tài sản của cán bộ, công chức là vấn đề được xã hội rất quan tâm trong thời gian gần đây. Xã hội loài người hiện nay được (hoặc bị) chi phối bởi công nghệ số, mà trong đó tốc độ và quy mô lan truyền tin tức nhiều khi vượt xa khả năng làm chủ của con người. Đặt giả định ngay cả khi pháp luật Việt Nam không quy định công khai, minh bạch tài sản, thu nhập mang tính chất bắt buộc áp dụng cho cán bộ, công chức, thì người dân ở một mức độ nào đấy, theo những phương thức khác nhau, có thể “truy lùng”, “phán đoán” một quan chức A hay B giàu có cỡ nào. Ví dụ, dư luận từng xôn xao trước câu chuyện con một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sở hữu khối tài sản khủng, như con của nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới 22 tuổi đã sở hữu biệt phủ tại TP.HCM rộng vài nghìn m2, con gái Thứ trưởng chưa đến 30 tuổi cũng sở hữu khối tài sản hơn 200 tỷ đồng.[10] Do thiếu công khai, minh bạch nên xã hội thường ngầm hiểu và suy đoán tài sản đến từ những nguồn bất chính. Do vậy, ngay cả khi chưa có những quy định pháp luật có liên quan thì việc giữ bí mật tài sản của cá nhân đã không hề dễ dàng.

Trước khi ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, việc tổng kết 10 năm thi hành pháp luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức chưa thật sự hiệu quả. Các bản kê khai còn mang tính hình thức, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được biến động về tài sản của người kê khai. Trong 4.859 trường hợp kê khai trong 10 năm (2006-2016) , Chính phủ phát hiện và xử lý 17 người kê khai không trung thực; năm 2017 xác minh được 78 trường hợp, xử lý 05 người vi phạm về kê khai và 08 tháng đầu năm 2018 xác minh được 44 trường hợp, phát hiện được 06 người có hành vi vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập [11]. Công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là công cụ quan trọng góp phần tăng cường tính liêm chính của bộ máy nhà nước, gia tăng khả năng giám sát, phòng ngừa các hành vi làm giàu bất chính của những người có chức vụ… Tuy nhiên, thực tế triển khai không hiệu quả của hoạt động này ở Việt Nam có thể được lý giải một phần chính bởi công cụ này xung đột với quyền bí mật thông tin cá nhân, làm ảnh hưởng thậm chí xâm phạm đời sống riêng tư của chủ sở hữu tài sản. Ở điểm này, dường như pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã có sự xung đột với pháp luật dân sự, thậm chí là pháp luật về quyền con người. Điều đó là bởi, cán bộ, công chức hay các đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo luật Phòng, chống tham nhũng cũng có tư cách như một cá nhân trong xã hội và vì thế họ hoàn toàn được hưởng những quyền buộc người khác phải tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Có một thực tế là trong nhiều trường hợp, lý do khiến người công chức giàu có lên hoàn toàn không phải bất minh. Tài sản biến động tăng thêm có thể đến từ những lý do rất bình thường. Ví dụ, của cải, tài sản do người khác (bố mẹ, ông bà) tặng cho, để lại (đặc biệt là đất đai, bất động sản); hoặc trong gia đình, chồng/hoặc vợ của người công chức có một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh riêng… Chứng minh tính minh bạch của tài sản, thu nhập trong những trường hợp này có thể không quá khó khăn. Điều cần bàn ở đây là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rằng bản kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị làm việc. Điều đó đồng nghĩa tất cả mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, đều có thể biết được biến động tài sản tăng thêm của người công chức đó. Tính đố kỵ, ghen ghét vốn đã là tật xấu cố hữu của người Việt Nam. Chính bản chất này khiến cho con người trong tập thể và trong xã hội nói chung dần mất niềm tin vào nhau, luôn nghi ngờ và đề phòng, không còn dám nói thật, sống thật với nhau cũng chỉ vì sợ bị ghen ghét, đố kỵ.[12] Trong bối cảnh đó, việc cán bộ, công chức “tự dưng giàu lên” phải có nghĩa vụ kê khai tường tận tài sản của mình với tập thể cơ quan, thực sự đưa người đó vào tình thế khó xử. Quyền bí mật đời tư, ở đây là lĩnh vực tài sản, vốn vẫn luôn được ghi nhận như một quyền hợp pháp, chính đáng được pháp luật bảo vệ, đã mâu thuẫn với trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức và những đối tượng có nghĩa vụ khác theo Luật Phòng, chống tham nhũng.

2.2. Xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và bí mật thông tin nhà nước

Ngoài bí mật thông tin cá nhân, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn tồn tại mâu thuẫn với một nội dung khác trong hệ thống pháp luật hiện nay: đó là bí mật thông tin nhà nước. Mục đích của các công cụ nêu trên trong quản lý hành chính là làm cho người dân có thể biết và hiểu Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ gì, từ đó đánh giá, kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý của hoạt động các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Trong bối cảnh Nhà nước không ngừng đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, các nhà lập pháp Việt Nam không quên đặt ra những rào cản nhất định ngay từ cấp độ thể chế. Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước số 29/2018/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 là một ví dụ. Điều 7 của Luật này truyền tải thông điệp mà nhiều người quan tâm nhất, đó là “phạm vi bí mật nhà nước”. Những nội dung thể hiện tại Điều này dường như xung đột đáng kể với chủ trương về một Nhà nước ra sức phát huy tính công khai, minh bạch, giải trình trong kế sách và hành động của mình. 15 đầu mục thông tin được liệt kê là một con số lớn, song điều cần chú ý hơn là rất nhiều đó là nội dung đáng lẽ rất cần phải được minh bạch hóa với quần chúng nhân dân. Ví dụ: khoản 5 (Thông tin về kinh tế), điểm c (Thông tin về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và phát triền nông thôn); điểm đ (Thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn); hay khoản 6 (Thông tin về tài nguyên và môi trường bao gồm tài nguyên nước, môi trường, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đất đai, biển, hải đảo, đo đạc và bản đồ) được cho là những nội dung nhạy cảm. Hoặc những nội dung liên quan đến mục tiêu tăng cường liêm chính, phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước cũng thuộc dạng nhạy cảm, chẳng hạn như khoản 13 (Thông tin về tổ chức cán bộ); khoản 14 (Thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng).

Theo quan điểm của tác giả, bí mật Nhà nước là vấn đề mang tính tất yếu khách quan. Pháp luật ở bất cứ quốc gia nào cũng quy định về bí mật Nhà nước. Việc tiếp cận và giải quyết vấn đề này có thể thực hiện theo những cách sau đây:

Một là, pháp luật liệt kê và quy định rõ những nội dung thuộc phạm trù bí mật nhà nước. Cách quy định này cần được ngầm hiểu là những thông tin nếu không nằm trong danh mục trên hoàn toàn có thể công khai, minh bạch, giải trình cho người dân được biết;

Hai là, theo chiều ngược lại, pháp luật liệt kê những loại thông tin, nội dung mà Nhà nước chủ trương sẵn sàng cung cấp, công khai, minh bạch, giải trình, cho phép người dân tra cứu, tiếp cận, sử dụng. Cách quy định này được ngầm hiểu là những thông tin nếu không nằm trong danh mục trên sẽ hoàn toàn nằm trong phạm trù bí mật Nhà nước.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang đi theo cách tiếp cận thứ nhất. Tuy nhiên, xung đột pháp luật giữa công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và bí mật thông tin Nhà nước có vẻ như đã nảy sinh ngay ở cấp độ thể chế chính sách.

2.3. Trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình của chủ thể là khu vực tư

Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện nay mới tiếp cận trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình theo hướng một chiều: nghĩa là người có nghĩa vụ công khai thuộc bộ máy quản lý trong khi chủ thể có quyền yêu cầu công khai là người bị quản lý. Vấn đề là liệu có thể xem xét đặt vấn đề theo chiều ngược lại: trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình cần được áp dụng đối với cả chủ thể là khu vực tư?

Ở góc độ doanh nghiệp, rõ ràng chính sách này, nếu triển khai, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nó dường như cũng đi ngược lại một định hướng khác mà Đảng và Nhà nước đang theo đuổi, đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo. Về khái niệm Chính phủ kiến tạo, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 tổ chức ngày 04 và 05/5/2016), đã định hướng phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là "phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí". Yêu cầu về phát triển kinh tế đặt ra là tập trung vào nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp - lực lượng chính làm nên sự phát triển kinh tế”. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bởi những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc “cởi trói” doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là giảm gánh nặng thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, áp dụng thành tựu công nghệ vào hoạt động quản trị để hạn chế tương tác giữa doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai, thực hiện còn tương đối chậm chạp, đúng với nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên: “Đổi mới như hòn đá tảng vậy, để hòn đá lăn được thì khó nhất là lúc vừa mới đẩy”.[13]

Trong bối cảnh đó, rõ ràng việc Nhà nước đặt trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình đối với doanh nghiệp là không đúng chủ trương, không phù hợp với xu thế xây dựng Chính phủ trong thể kỷ 21. Ngoài ra, bí mật thông tin có ý nghĩa quan trọng, nếu không muốn nói là sống còn đối với hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng xây dựng hệ thống bảo mật thông tin của riêng mình chính bởi lo ngại rằng thông tin nếu bị lộ ra bên ngoài sẽ kéo theo những thiệt hại không thể lường trước. Do vậy, rõ ràng Nhà nước yêu cầu gay gắt việc minh bạch hóa thông tin sẽ là hành động can thiệp một cách bất hợp lý vào đời sống doanh nghiệp. Do đó, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng bước đầu chỉ đề cập đến việc công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng đối với các mô hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Tuy nhiên, lật lại khoảng thời gian trước đó, trong quá trình thẩm tra Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, nhiều ý kiến đã nêu ra một thực tế nóng bỏng của xã hội ngày nay là tình trạng tham nhũng trong khu vực tư. Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho hay, qua khảo sát, đánh giá của một số tổ chức trong và ngoài nước, thấy rằng tình hình tham nhũng trong khu vực tư đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, các quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực công… Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu chống tham nhũng trong khu vực tư. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư và một số loại hình tổ chức xã hội là chưa phù hợp. Thực tiễn cho thấy, việc đưa, nhận hối lộ để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh xảy ra ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty tư nhân, là công ty “sân sau” được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn.[14]

Thực trạng trên đặt vấn đề rằng biết đâu đó hệ thống các thông tin thuộc phạm trù bí mật, được doanh nghiệp, tổ chức đặt trong bóng tối đang tồn tại những hành vi sai trái, phi pháp của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn. Trong trường hợp này, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình áp dụng sớm và mạnh mẽ hơn sẽ góp phần hạn chế những sai phạm, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời hành vi của những quan chức tha hóa trong bộ máy nhà nước.

KẾT LUẬN

Hai khái niệm được đưa ra phân tích trong bài viết này chứa đựng những mâu thuẫn ngay ở bản chất của chúng: một bên là “quyền” (bí mật thông tin) còn bên kia là “trách nhiệm, nghĩa vụ” (công khai, minh bạch, giải trình). Việc quyền song hành với nghĩa vụ trong cùng một chủ thể không hoàn toàn xa lạ trong khoa học pháp lý. Ngay cả việc giữa hệ thống các quyền và nghĩa vụ có chứa đựng những yếu tố xung đột, mâu thuẫn cũng là điều khó tránh khỏi. Quyền bí mật thông tin phải được tôn trọng, bảo vệ vì đó là quyền cơ bản của con người. Nhưng công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng là những đòi hỏi tất yếu của quản trị công thời buổi hiện đại. Sự tồn tại các mặt đối lập là vấn đề phổ biến trên thế giới, đồng thời mâu thuẫn là động lực của sự phát triển. Xung đột pháp luật đưa ra bàn luận trong bài viết này không nhằm hướng đến việc cổ súy hay bác bỏ. Bởi cả hai thuật ngữ, thậm chí sự xung đột giữa chúng đều mang ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối trong đời sống pháp lý. Giải quyết xung đột một cách tinh tế, hợp lý chính là một “KPI” quan trọng thúc đẩy nâng cao năng lực lập pháp và quản trị của Nhà nước nói riêng cũng như hệ thống chính trị nói chung.


[1] Bern, D. Gouverner sans gouverner une archéologie politique de la statistique, Paris, Presses universitaires de France (2009);
[2] Alexandre Piraux, Vai trò kép của minh bạch trong nền hành chính (La double nature de la transparence dans l’administration), CRAIG (Centre de Recherche en Action publique, Intégration et Gouvernance) (2015);
[3] Luật Minh bạch của chính quyền địa phương (2015);
[4] Sweden.se, ‘OPENNESS SHAPES SWEDISH SOCIETY’ (Sweden Sverige, 28 tháng 6 năm 2018) <https://sweden.se/society/openness-shapes-swedish-society/?fbclid=IwAR1rRA2dCeSTw7fsJYXujucBZBsAFPjwiVdc5bWr0Ikl-714eYjrgs9po9w> truy cập ngày 16/09/2019;
[5] Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (2003);
[6] Nguyễn Tuấn Khanh, ‘Công khai, minh bạch trong khu vực công ở nước ta hiện nay’ trong Tài liệu Hội thảo Những vấn đề pháp lý đặt ra trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay (2019), tr 173;
[7] Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (2003) Điều 10, điểm (a);
[9] Luật Dương Gia, ‘Quy định về quyền bí mật đời tư trong các văn bản quy phạm pháp luật’
[10] Châu An, ‘Con quan chức sở hữu tài sản "khủng": ĐBQH hỏi từ đâu?’ <https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/con-quan-chuc-so-huu-tai-san-khung-dbqh-hoi-tu-dau-3346053/> truy cập ngày 22/09/2019;
[11] Báo cáo số 461/BC-CP ngày 18/10/2017 của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017 và Báo cáo số 354/BC-CP ngày 30/8/2018 của Chính phủ về công tác PCTN năm 2018;
[12] Nguyễn Thị Bích Ngà, ‘Thói ghen ghét, đố kỵ của người Việt’ <https://trithucvn.net/van-hoa/thoi-ghen-ghet-do-ky-cua-nguoi-viet.html> truy cập ngày 22/09/2019;
[13] Dân trí, ‘PGS.TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp rất cần “cởi trói” thủ tục hành chính’ <https://dantri.com.vn/kinh-doanh/pgsts-tran-dinh-thien-doanh-nghiep-rat-can-coi-troi-thu-tuc-hanh-chinh-20181104163524173.htm> truy cập ngày 22/09/2019;
[14] Văn Kiên, ‘Sử dụng doanh nghiệp 'sân sau' để tham nhũng’ <http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=2618> truy cập ngày 22/09/2019;

Nguồn: http://www.issi.gov.vn/xung-dot-phap-luat-giua-cong-khai-minh-bach-trach-nhiem-giai-trinh-va-quyen-bi-mat-thong-tin-o-viet-nam_t104c2716n3212tn.aspx

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái