Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

14:17 10/03/2022

Là người có nhiều năm làm công tác quản lý, nghiên cứu khoa học trong ngành Nội vụ, TS THANG VĂN PHÚC, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ nay đến năm 2045, cần cơ cấu lại bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương để địa phương có đủ điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

CƠ SỞ CHÍNH TRỊ - PHÁP LÝ CỦA ĐỔI MỚI, CẢI CÁCH BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

Chia sẻ với Tạp chí Tổ chức nhà nước về cơ sở chính trị - pháp lý của đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước một cách căn bản trên nền tảng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối xuyên suốt và nhất quán từ Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng và nhất là xác định nội dung cơ bản trong Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ VII và được cụ thể hóa trong Nghị quyết các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII, XIII của Đảng cùng nhiều nghị quyết chuyên đề được triển khai thực hiện trong thực tế.

Công cuộc cải cách bộ máy nhà nước đồng bộ trên tất cả các phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp với cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình đổi mới, cải cách và hội nhập quốc tế toàn diện.

Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) được tiếp tục khẳng định tại Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng là cơ sở chính trị - pháp lý cho tiến trình cải cách xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo lộ trình hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh và bền vững với các mốc 2030 và 2045.

CƠ CẤU BỘ MÁY CỦA CHÍNH PHỦ ĐẾN NĂM 2030 CÓ 20 BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ

Để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đưa ra một số giải pháp mang tính gợi mở cần tiếp tục nghiên cứu.

Cho rằng, hiện nay Quốc hội vẫn là Quốc hội nhân dân - tính mặt trận còn cao, vì vậy, TS Thang Văn Phúc đề xuất giải pháp đầu tiên, đó là cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội thay vì cơ cấu, để các đại biểu thực sự là tiêu biểu, tinh hoa trong Nhân dân và có tỷ lệ chuyên nghiệp ngày càng tăng. Mặt khác, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, song phải triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng nên cần nghiên cứu sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng để cụ thể hóa bằng các dự án luật một cách chủ động. Cơ quan nghiên cứu lập pháp cần có sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng để tham mưu tốt vấn đề này. 

Các kỳ họp của Quốc hội cần bố trí từ 04 kỳ họp/năm (hiện nay là 02 kỳ/năm) với thời gian 10 ngày/kỳ, để kịp thời xem xét, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật khi thực tế đòi hỏi. Kỳ họp Quốc hội phải thực sự là diễn đàn thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách kịp thời trước sự thay đổi.

Giải pháp thứ hai được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đưa ra là, từ nay đến năm 2045, cải cách hành chính cần xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình đổi mới, cải cách cơ bản bộ máy nhà nước theo các tiêu chuẩn đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước hết là Nhà nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về Nhân dân, do đó, các thể chế dân chủ phải được tôn trọng, đảm bảo quyền của người dân, các cơ quan nhà nước chỉ được phép thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền do luật pháp quy định, còn người dân được tự do làm mọi việc mà pháp luật không cấm. 

Chính phủ đề cao trách nhiệm trong quản trị nhà nước bằng pháp luật. Đề xuất chính sách, pháp luật theo hướng phục vụ mọi yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp để phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Khuyến khích mọi cống hiến, sáng tạo của toàn dân, thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển nhanh, bền vững tới năm 2045 đạt trình độ phát triển cao trong khu vực và thế giới.

Triển khai thực hiện các giải pháp công nghệ, công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tham khảo các bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới ứng phó cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra để nhận thức lại mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với tiến trình hiện đại hóa, tăng tốc phát triển trong điều kiện mới. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam và cả thế giới, đòi hỏi phải đổi mới quản trị nhà nước, quản trị quốc gia một cách hiệu quả, phù hợp. Mặt khác, cần cơ cấu lại bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương để địa phương có đủ điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có thể nghiên cứu, sắp xếp, cơ cấu bộ máy của Chính phủ đến năm 2030 có 20 bộ, cơ quan ngang bộ; đến năm 2045 có 16 bộ, cơ quan ngang bộ. Còn các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng thể chế công vụ - công chức chuyên nghiệp trong một nền hành chính hiện đại; hoàn thiện chế độ vị trí việc làm trong công vụ, có đội ngũ công chức thực tài; có đạo đức và văn hóa công vụ theo yêu cầu là “công bộc” của Nhân dân.

Giải pháp thứ ba, tập trung thực hiện cải cách tư pháp theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, với một nền tư pháp độc lập trong xét xử, công lý được bảo vệ. Thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, xác định duy nhất chỉ có Tòa án thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chuyển Viện kiểm sát về thuộc hành pháp và đổi tên là Viện Công tố thuộc Chính phủ. Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, do đó, mọi vi phạm pháp luật được phát hiện do các cơ quan hành chính thực hiện quyền hành pháp mới là cơ quan thực hiện quyền công tố.

Cơ cấu lại quyền tư pháp theo hướng tách hành chính tư pháp ra khỏi quyền xét xử của tòa án. Về cơ chế, Tòa án được tổ chức theo hai cấp độc lập: Tòa sơ thẩm theo khu vực và phúc thẩm theo cấp tỉnh, thành phố. Điều này giúp cho tòa án thực sự độc lập, không có cấp trên, cấp dưới. Tòa án tối cao có chức năng xét xử phúc thẩm, tổng kết xét xử và ban hành án lệ. Tòa án xét xử, phán quyết có tội trên cơ sở tranh tụng tại tòa với sự tham gia của luật sư do bị can lựa chọn hoặc nhà nước hỗ trợ và luật sư được quyền tham gia điều tra tố tụng ngay từ đầu. Đây là đặc trưng của nền tư pháp trong thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần được tôn trọng và thực hiện. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại hệ thống tư pháp thực hiện quyền tư pháp trong mối quan hệ với lập pháp và hành pháp là một thách thức phải vượt qua để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại tới năm 2045.

Giải pháp cuối cùng được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đề xuất có tính đến đặc thù của Việt Nam, đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng duy nhất cầm quyền. Tuy nhiên, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, để đảm bảo không chồng chéo giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Toàn bộ quá trình lãnh đạo của Đảng là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị của bộ máy Nhà nước pháp quyền./.

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung khái niệm “cầm quyền” của Đảng. V.I.Lênin từng nhấn mạnh, trong lãnh đạo cách mạng lật đổ chính quyền cũ, sứ mệnh của mọi cuộc cách mạng là vấn đề giành chính quyền. Vì vậy, khi đã có chính quyền trong tay, Đảng cần sử dụng bộ máy nhà nước để thực hiện các mục tiêu cầm quyền của Đảng. Do đó, Đảng cầm quyền không có nghĩa làm thay Nhà nước mà chính Đảng lãnh đạo xã hội, phát triển đất nước phải bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.
Trí Đức
Nguồn: https://tcnn.vn/news/detail/53624/Tiep-tuc-doi-moi-to-chuc-va-hoat-dong-cua-bo-may-nha-nuoc-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-Nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-Viet-Nam.html
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái