Nâng cao hiệu quả tham gia trợ giúp pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp

16:48 08/11/2022

Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý

I. Quy định về sự tham gia trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia các cấp
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý. Các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp là một chủ thể có thể tham gia trợ giúp pháp lý theo hai phương thức: (1) ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; (2) đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện: (i) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý; (ii) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý; (iii) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tư vấn pháp luật và có nguyện vọng thì đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp. Nếu muốn tham gia theo phương thức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thì tổ chức tư vấn pháp luật cần có thêm điều kiện “có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc tại tổ chức”.
Ngày 25/7/2018, Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Chương trình phối hợp số 2727/CTPH-BTP-HLGVN thực hiện công tác giữa Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023. Tại Chương trình, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật phối hợp với trợ giúp pháp lý bao gồm: (i) Xây dựng, quản lý, trao đổi thông tin về hoạt động mạng lưới tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư có uy tín, kinh nghiệm để tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho từng nhóm đối tượng và vụ việc cụ thể; chú trọng người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội; phối hợp tạo điều kiện tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý; (ii) Liên kết hoạt động tư vấn pháp luật tại các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội luật gia các tỉnh, thành phố với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho từng đối tượng cụ thể; khuyến khích, tạo điều kiện cho Trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý hoặc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý; (iii) Phát hiện, giới thiệu người thuộc diện trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước giới thiệu khách hàng cho các Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp tiếp người không thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
II. Thực trạng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp
Ở địa phương, bộ máy làm công tác tư vấn pháp luật được phát triển rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, hầu hết Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đều đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật, nhiều nơi phát triển thêm các chi nhánh ở các quận, huyện, xã, phường. Theo thống kê, hiện nay, toàn Hội có 128 Trung tâm tư vấn pháp luật, trong đó Trung ương Hội có 10 Trung tâm, 118 Trung tâm, chi nhánh của Trung tâm trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, quận, huyện[1].
Theo thông tin từ Trung ương Hội Luật gia trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã chỉ đạo các Trung tâm tư vấn pháp luật đổi mới phương thức hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hướng về cơ sở, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, những người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng này tiếp cận nhiều hơn với các văn bản pháp luật và nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật ngày một tốt hơn.
Ngoài ra, Hội luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tích cực cử cán bộ, tư vấn viên của các Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trên địa bàn tổ chức. 
Trong quá trình tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận TGPL cho người dân, hoạt động truyền thông về TGPL ở cơ sở, Cục TGPL và các Trung tâm TGPL nhà nước có mời đại diện của cấp Hội Luật gia ở cơ sở tham gia để nắm được rõ hơn chính sách, pháp luật TGPL, từ đó, kịp thời phát hiện, giới thiệu người được TGPL đến Trung tâm TGPL nhà nước để yêu cầu bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Tuy nhiên, với nguồn lực khá lớn như vậy nhưng theo số liệu báo cáo của các Sở Tư pháp[2], việc tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật còn hạn chế. Cụ thể:
Năm 2020, có 45 Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó có 35 Trung tâm đăng ký tham gia với Sở Tư pháp, 10 Trung tâm ký hợp đồng với Sở Tư pháp. Các tư vấn viên thực hiện 89 vụ việc trợ giúp pháp lý.
Năm 2021, có 44 Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó có 34 Trung tâm đăng ký tham gia với Sở Tư pháp, 10 Trung tâm ký hợp đồng với Sở Tư pháp. Các tư vấn viên thực hiện 105 vụ việc trợ giúp pháp lý.
Trong công tác phối hợp về truyền thông trong TGPL, tại trụ sở các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội luật gia đều có bảng thông tin về diện người được TGPL, trình tự, thủ tục yêu cầu TGPL.
Bên cạnh việc tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia các cấp có sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế đã triển khai một số hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho thành viên, hội viên của cơ quan chủ quản.
Theo báo cáo của các trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam, mỗi năm, hệ thống này cung cấp miễn phí tư vấn pháp lý, thông tin pháp luật và các văn bản pháp lý cho hàng ngàn người dân, từng bước giành được uy tín với công chúng. Hội Luật gia Việt Nam đã có sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ nước ngoài cho một số hoạt động tập huấn kỹ năng và kiến thức về luật pháp mới cho các nhân viên và chuyên gia tư vấn của mình tại các trung tâm tư vấn pháp luật.
III. Một số tồn tại, khó khăn
- Số Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý còn hạn chế so với tổng số Trung tâm trong toàn quốc (44/114 Trung tâm), số vụ việc trợ giúp pháp lý do Trung tâm thực hiện còn ít.
- Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý với những hình thức, trong những lĩnh vực theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, hiện đang còn có việc hiểu chưa thống nhất về trợ giúp pháp lý nên nhiều Trung tâm tư vấn pháp luật chưa phân tách việc cung cấp dịch vụ miễn phí của Trung tâm tư vấn pháp luật cho người dân nói chung, không phân biệt có thuộc diện trợ giúp pháp lý hay không với hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Do đó, dẫn đến số liệu chưa trùng khớp giữa thống kê của Sở Tư pháp về hoạt động trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật với thống kê theo báo cáo của Hội Luật gia về nội dung này[3].
- Chưa có đánh giá về việc tham gia của xã hội đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Chưa có đánh giá cụ thể về nội dung phát hiện, giới thiệu người thuộc diện trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước giới thiệu khách hàng cho các Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp tiếp người không thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
IV. Một số đề xuất tăng cường sự tham gia trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp
-`Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức xã hội nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội, việc thu hút nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, phối hợp hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho các thành viên, hội viên của các tổ chức xã hội nói chung và Hội Luật gia Việt Nam nói riêng;
- Trung ương Hội Luật gia Việt Nam hướng dẫn, quán triệt về mục đích, ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý; định hướng tham gia trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của tổ chức, huy động chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý;
- Hội Luật gia Việt Nam định hướng hội viên của Hội luật gia ở cơ sở trong việc giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm;
- Sở Tư pháp, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thảo luận các giải pháp có thể huy động sự tham gia của các Trung tâm tư vấn pháp luật tại địa phương đối với hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế;
- Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động hơn nữa trong việc phối hợp để thành viên các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tham gia các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện trợ giúp pháp lý trong những vụ việc cụ thể.


Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp

[2] Theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ Tư pháp về một số nội dung thống kê trong ngành Tư pháp, định kỳ 6 tháng và hàng năm Sở Tư pháp gửi Bộ Tư pháp báo cáo thống kê về số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thực hiện tại địa phương trong đó có vụ việc do các tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện
[3] Theo dự thảo báo cáo 9 tháng đầu năm 2022 của Hội Luật gia Việt Nam thì trong 9 tháng Hội Luật gia thực hiện 29.000 vụ việc TGPL

Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn/ 

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái